I Am Jas

Share this post

Sách tôi đọc tháng 3/2022

iamjas.substack.com
The Blog

Sách tôi đọc tháng 3/2022

Nỗ lực một tháng đọc 5 cuốn sách

Jas Nguyen
Apr 7, 2022
1
Share this post

Sách tôi đọc tháng 3/2022

iamjas.substack.com

Tôi lại tiếp tục sứ mệnh mỗi tháng cố gắng đọc năm cuốn sách—đặc biệt là sau khi tôi từ bỏ mạng xã hội. Dưới đây là những quyển sách tôi đọc trong tháng 3/2022. Sách được liệt kê theo thứ tự hoàn thành. Bạn có thể xem lại bài viết về sách tôi đọc tháng các trước ở đây.

Một số thông số nho nhỏ về chuyện tôi đọc sách tháng này:

  1. Tôi đọc tổng cộng mười quyển sách, trong đó có ba quyển là phi tiểu thuyết (non-fiction), còn lại là tiểu thuyết (fiction)

  2. Sách tôi mua chiếm tám quyển, tôi mượn thư viện là hai quyển

  3. Tôi đọc tổng cộng 2,957 trang sách; sách dày nhất là quyển Mornings on Horseback 455 trang. Nó được in theo khổ lớn nên nếu quy chiếu qua khổ giấy thông thường chắc cũng phải hơn 550 trang. Sách mỏng nhất là quyển The Importance of Being Earnest 96 trang

  4. Tôi chủ yếu đọc sách giấy, chỉ có một quyển duy nhất tôi đọc bằng e-book (The Seven Husbands of Evelyn Hugo)

  5. Thời gian dài nhất tôi hoàn thành một quyển sách là 13 ngày (Mornings on Horseback), ngắn nhất là một ngày (The Importance of Being Earnest, Neuromancer, The Great Gatsby) nhân dịp tôi thực hiện thử thách read-a-thon

  6. Có ba quyển tôi cho 5⭐️; năm quyển 4⭐️; một quyển 3⭐️; một quyển 2⭐️—có thể nói tháng Ba là tháng đọc sách “hiệu quả” —cả về chất lượng lẫn số lượng

  7. Sách tôi thích nhất là Nagasaki: Life After Nuclear War và sách tôi thấy dở nhất là Good Omens

Tôi để toàn bộ sách tôi đã, đang và sắp sửa đọc trong một spreadsheet với đầy đủ thông tin và đánh giá của tôi cho từng quyển sách tôi đọc (liên tục cập nhật). Nếu mọi người tham khảo thấy đầu sách nào ưng ý thì đọc xong nhớ chuyện trò, chia sẻ cảm nghĩ với tôi nhé!


The Picture of Dorian Gray (Chân dung của Dorian Gray)

Fiction | Oscar Wilde

Sách kể về câu chuyện của chàng Dorian Gray—một chàng trai khôi ngô tuấn tú với vẻ đẹp khiến tất cả mọi người, dù trai hay gái, đều phải rung động. Bắt đầu là một người có trái tim thánh thiện, Dorian Gray sẵn sàng đánh đổi trái tim, tâm hồn của mình để đổi lấy sự trẻ đẹp mãi mãi. Bản chất của Dorian Gray ngày càng tha hoá, mục ruỗng, thậm chí anh còn trở nên độc ác. Oscar Wilde diễn tả sự thay đổi tâm tính của một con người hết sức tài tình, và lời văn của Oscar Wilde cũng rất thơ (dù đôi chỗ hơi khó hiểu). Sách được liệt kê vào thể loại “Kinh dị” nhưng tôi nghĩ cũng không đáng sợ đến mức thế. Nhưng đây đúng là cuốn sách thuộc hàng kinh điển rất đáng đọc.

​

Mornings on Horseback (Những ngày tháng trên lưng ngựa)

Non-fiction | David McCullough

Mục tiêu năm nay của tôi là đọc nhiều hơn về dòng sách tiểu sử và hồi ức, và đây là cuốn thứ ba trong thể loại này. McCullough là sử gia rất nổi tiếng của Mỹ với hai lần đoạt giải Pulitzer. Ông được biết đến với khả năng mang vào các tác phẩm của mình những công trình nghiên cứu đồ sộ nhưng cách kể chuyện lại không hề khô khan mà ngược lại rất hấp dẫn, tái hiện đúng và đầy đủ cuộc đời của các nhân vật lịch sử. Trong quyển sách này, ông kể lại thời niên thiếu của Theodore Roosevelt (TR)—vị tổng thống trẻ tuổi nhất, người xây dựng kênh đào Panama, và là người tiên phong trong việc bảo tồn thiên nhiên, tạo nên các công trình xây dựng và bảo tồn vườn quốc gia (national parks) ở Mỹ. Tôi có nói đến quyển sách này trong NKT #38 khi tôi xem phim tài liệu của Ken Burns về TR. Sách chỉ tập trung kể về khoảng 27 năm đầu tiên của TR từ lúc ông sinh ra, lớn lên trải qua nhiều biến cố cuộc đời (trong đó có cái chết của vợ và mẹ gây ảnh hưởng nặng nề nhất), cho đến khi ông đặt những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp chính trị. Tôi đặc biệt thích những chương về thời thơ ấu của TR, về bố và mẹ của TR (đặc biệt là ông bố)—tính cách của họ, cách họ giáo dục và yêu thương con cái đã tạo ra vị tổng thống được yêu thích nhất trong lịch sử Mỹ.

​

Bird by Bird: Some Instructions on Writing and Life (Chỉ dẫn về viết và cuộc sống)

Non-fiction | Anne Lamott

Tôi chọn đọc cuốn này vì Tim Ferriss khen lấy khen để. Anne Lamott từng là nhà văn và những năm sau này cô chủ yếu dạy viết lách cho những người có đam mê và muốn cải thiện kỹ năng viết. Sách kể lại về tuổi thơ, ảnh hưởng của người cha lên sự nghiệp văn chương của cô và qua đó lồng ghép những bài học cuộc đời về việc viết. Cô này có lối viết văn khá dí dỏm, nhưng vẫn tạo cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc. Tôi thích nhất là ba chương “Plot Treatment,” “Broccoli,” và “Writing A Present.”

​

Good Omens (Điềm lành)

Fiction | Terry Pratchett & Neil Gaiman

Neil Gaiman là nhà văn Anh cực kỳ nổi tiếng của thế hệ millennials ở nước ngoài mà đến gần đây tôi mới biết. Ông chuyên viết sách sci-fi hoặc fantasy và Good Omens là một trong những sách được yêu thích nhất mọi thời đại ở thể loại fantasy. Trong sách, thế giới chúng ta sống bị chi phối với hai thế lực—Thiên đàng và Địa ngục. Thiên đàng có thiên thần; Địa ngục có Ác quỷ. Crowley (Ác quỷ) được nhận nhiệm vụ đưa đứa trẻ Phản chúa (Antichrist)—con của Satan—đến thế giới để 11 năm sau đứa trẻ này sẽ dẫn dắt Địa ngục đến ngày tận thế—ngày Địa ngục sẽ đánh nhau với Thiên đàng để phân định thắng bại. Tuy nhiên, đã có sự nhầm lẫn trong cái đêm định mệnh khi đứa trẻ sinh ra đời, dẫn đến cuộc hành trình tìm lại đứa trẻ Phản chúa của đôi “bạn thân” Crowley (Ác quỷ) và Aziraphale (Thiên thần).

Sách có nội dung hết sức ấn tượng nhưng cách viết hơi dài dòng, “tưng tửng,” và sự dí dỏm mang đậm chất trào phúng châm biếm của Anh nên tôi không thích lắm. Chưa kể là đôi chỗ còn khó hiểu, tôi phải đọc đi đọc lại vài lần. Sách đã được chuyển thể thành series trên Amazon Prime và thực sự là phim hay hơn rất nhiều so với sách.

​

The Seven Husbands of Evelyn Hugo (Bảy người chồng của Evelyn Hugo)

Fiction | Taylor Jenkins Reid

Tôi hơi ngạc nhiên cuốn sách này chưa có bản tiếng Việt, vì ở nước ngoài nó nổi rần rần. Tôi nghĩ nếu về Việt Nam nó cũng sẽ được đón nhận nồng hậu. Evelyn Hugo là tài tử nổi tiếng ở Hollywood. Ở tuổi 70 khi đã giã từ sự nghiệp đóng phim, bà mời một phóng viên vô danh, không tên tuổi viết sách về cuộc đời của mình, kể lại những cơ cực thuở thơ ấu, hoài bão về sự nổi tiếng, quá trình tranh đấu lên vị trí cao nhất ở Hollywood và bảy cuộc hôn nhân. Bảy người chồng của bà là những ai? Vì sao bà phải lấy tới bảy người? Ai là người bà thực sự yêu thương? Vì sao bà lại mời một cô phóng viên vô danh viết sách? Những bí mật đằng sau sẽ dần được hé lộ khi đọc sách. Sách này có cái hay là nó giúp tôi nhúng một ngón chân út vô thế giới phồn hoa của Hollywood—đằng sau những gương mặt đẹp đẽ, những lời nói khéo léo trước ống kính là một thế giới hoàn toàn khác.

​

The Murder of Roger Ackroyd (Vụ ám sát ông Roger Ackroyd)

Fiction | Agatha Christie

Đây là một trong những sách trinh thám hay nhất của Agatha Christie với cái kết được coi là hết sức bất ngờ. Nhưng lại một lần nữa, tôi đã đoán đúng phóc ai là hung thủ khi đọc đến giữa chừng. Không phải sách không hay, chỉ là tôi không xem đúng thời điểm. Nếu tôi đọc quyển này vào những năm 20 khi cuốn sách này mới ra đời thì có thể đúng là chấn động thật. Còn ở tại thời điểm này, khi dòng trinh thám đã biến hoá hết sức phức tạp, xoắn não thì cuốn sách này của Agatha Christie, theo tôi, không có sức bức phá. Tuy nhiên, tôi thấy có rất nhiều người vẫn khen hay và bất ngờ, nên mọi người cứ thử nếu thích dòng trinh thám.

​

Nagasaki: Life After Nuclear War (Nagasaki: Cuộc sống sau chiến tranh hạt nhân)

Non-fiction | Susan Southard

Đây là quyển sách cuối cùng tôi đọc trong tháng Ba (tôi có kể sơ sơ trong NKT #43), và dù chỉ mới là tháng Ba sách này chắc chắn nằm trong những quyển sách tôi yêu thích nhất năm nay. Nếu bạn chỉ muốn đọc một cuốn sách nói về sự khốc liệt của chiến tranh, sự tán phá và hậu quả của bom hạt nhân, hãy đọc quyển sách này. Chỉ quyển này thôi là đủ. Sách theo chân năm đứa trẻ, kể lại cuộc sống của chúng trước và sau quả bom hạt nhân định mệnh, qua đó hiểu được hoàn cảnh nước Nhật thời chiến, và cuộc sống của hibakusha (những người sống sót sau vụ nổ bom). Những đoạn kể lại chuyện gì đã xảy ra 1 phút, 2 phút, 10 phút đầu tiên sau khi quả bom phát nổ thật rùng mình, những con người “sống không bằng chết” lang thang tìm chỗ ẩn nấp thật đau thương. Chiến tranh là tội ác lên những thường dân vô tội. Nhưng trên hết, quyển sách là bản anh hùng ca cho tinh thần gaman (我慢) của người Nhật—chịu đựng những điều không thể— sự quật cường của đất nước vùng lên từ đống tro tàn.


Dưới đây là những quyển sách tôi đọc trong thử thách read-a-thon. Tôi đọc hết trọn ba quyển, và hoàn thành nốt phần còn lại của quyển Good Omens.

​

The Importance of Being Earnest (Tầm quan trọng của việc “đứng đắn”)

Fiction | Oscar Wilde

Sách thứ hai của Oscar Wilde mà tôi đọc. Thực ra đây là tác phẩm kịch của Oscar Wilde nhưng được viết lại thành sách. Sách dày có gần 100 trang thôi mà siêu hay, siêu dí dỏm, hàm ý sâu xa và châm biếm. Đọc xong quyển này tôi lại càng thích tác giả hơn và sẽ kiếm thêm các tác phẩm khác để đọc tiếp.

​

Neuromancer

Fiction | William Gibson

Tôi không tin được đây là quyển sci-fi viết ở những năm 80 khi mà trí tuệ nhân tạo chỉ là một khái niệm vẫn còn rất mơ hồ. Gibson đã đưa đọc giả vào một thế giới siêu máy tính hấp dẫn, kịch tích, với những khái niệm vô cùng táo bạo và thú vị như "simstim"—giả lập giúp con người đi vào trong bộ não của người khác, cảm nhận cảm xúc và thấy những gì người khác đang thấy; "contruct"—CD-ROM lưu giữ tính cách của con người nhằm giúp tạo ra phiên bản kỹ thuật số; "cut-out chip"—chip gắn vào não giúp bạn quên đi một phần ký ức... Năm mươi trang đầu tiên sẽ có chút khó hiểu, nhưng nếu bạn là một fan cứng của sci-fi, cyberpunk thì không thể bỏ qua cuốn sách này.

​

The Great Gatsby (Đại gia Gatsby)
Fiction | F. Scott Fitzgerald

Tôi có xem phim của Leonardo Di Caprio nhưng thực sự là chưa bao giờ đọc sách. Nhân dịp sách được giảm giá nên tôi mua đọc. Tôi rất thích giọng văn của Fitzgerald—lời văn hết sức chau chuốt. Đây là một câu chuyện buồn, có chút ám ảnh và mang theo những vấn đề mang tính thời đại lúc bấy giờ: phân biệt giai cấp, giới tính dẫn tới bản tính con người bị thay đổi, bóp méo để tồn tại. Sự từng trải cũng sẽ giúp bạn “thấm” tác phẩm này hơn, tôi nghĩ vậy. Nếu bạn đọc lúc bạn 20 sẽ khác khi bạn 30. Sách rất đời, rất người và nên được đọc lại nhiều lần.

​

(Credit: Photo by Christin Hume on Unsplash)

Share this post

Sách tôi đọc tháng 3/2022

iamjas.substack.com
Comments
TopNewCommunity

No posts

Ready for more?

© 2023 Jas Nguyen
Privacy ∙ Terms ∙ Collection notice
Start WritingGet the app
Substack is the home for great writing