NKT #47 | 10,000 giờ của Simu Liu
58 điều về tiền, suy nghĩ theo màu sắc, Cheryl Strayed và những điều linh tinh khác
Good morning cả nhà!
Mọi người nghỉ lễ Hùng Vương có vui không, có được đi đâu chơi thư giãn khuây khoả không? Thứ Sáu vừa rồi ở Canada là Lễ Phục Sinh nên tôi cũng được nghỉ lễ (cho những tín đồ Thiên Chúa, Happy Easter!). Canada cũng chỉ có tầm chín, mười ngày nghỉ lễ gì đó giống ở Việt Nam, nhưng được cái nó luôn rơi vào thứ Sáu, hoặc thứ Hai nên mọi người ở đây được nghỉ cuối tuần dài một chút. Đáng nhẽ tuần này bọn tôi đi hiking, nhưng do bạn tôi sắp thi cuối kỳ, bài vở chất chồng như núi nên chúng tôi đành dời lại. Ở nhà ba ngày thì tôi làm gì? Mọi người biết rồi đó, tôi tính tự kỷ mà nên chỉ làm những chuyện tự kỷ thôi. Tôi ngoài làm ba cái linh tinh lặt vặt như đi chợ, cắt tóc thì tôi đi cà phê với bạn nè, đi tiệm sách, đi tản bộ nghe podcast và ở nhà đọc sách. Tôi vừa đọc xong cuốn sách The Vanishing Half (Một nửa biến mất) xuất sắc, dã man con ngan, man rợ con vợ. Tôi đọc ngấu nghiến cả buổi sáng thứ Bảy mà quên mất không viết NKT luôn (tôi thường viết vào sáng thứ Bảy)—phải tới chiều tôi mới viết. Hãy dễ sợ vậy đó!
điều thú vị trong tuần:
// bài viết
Simu Liu cảm ơn Deloitte vì đã sa thải anh 10 năm trước
2 phút | Actor Simu Liu marks 10th anniversary of being fired as an accountant | The Strait Times
12/4/2012 là ngày Simu Liu bị sa thải khỏi Deloitte. Nhìn lại quãng đường mười năm, Simu đã “tri ân” Deloitte vì đã sa thải anh, để anh được đi con đường mình đam mê và theo đuổi. Simu trong bài viết đăng trên Instagram, anh có nhắc đến quy luật 10,000 giờ trong quyển The Outliner (Những kẻ xuất chúng) của Malcolm Gladwell (tôi thích quyển này lắm lắm!). Để trở nên xuất chúng, chúng ta cần ít nhất 10,000 giờ hay 10 năm liên tục cố gắng, rèn luyện không ngừng. Và nhờ có 10,000 giờ khổ luyện mà Simu Liu mới có được thành tựu như ngày hôm nay. Simu Liu còn đưa ra một thông điệp ngầm nữa: đó là hãy cảm ơn những điều đã xảy ra vì mọi thứ đều có nguyên nhân của nó—everything happens for a reason.
// bài viết
58 điều về tiền tôi sẽ nói với chính tôi khi 21 tuổi
1 phút | 58 Things I’d Say to My 21-Year-Old Self About Money | Medium | Tim Denning
Nếu quay lại tuổi 21, tôi sẽ muốn dành những lời khuyên gì cho chính tôi về tiền? Tôi nghĩ Tim đã làm một bài viết khá hoàn chỉnh về những điều những bạn trẻ tuổi 20 nên biết về tiền—không chỉ là việc sử dụng quản lý tiền mà còn là thái độ, quan điểm về tiền bạc. Điều #1, #5, #18, #19, #26 với tôi là chân lý; tôi đồng ý với điều #3, #10, #20, #31, #34, #41, #51 (tất cả mọi người đều nên đọc Tâm lý học về tiền); tôi không đồng ý lắm với điều #15, #23, #55 (tất cả chúng ta đều có thể trở thành Warren Buffet); và nếu có một điều tôi được thêm vào đó sẽ là 59) Take reasonable risk; at some point your audacity will pay off (một trong những quyết định “rủi ro” của tôi là mua bitcoin).
// website
Think in Colour
Chúng ta sống trong thế giới mà hầu hết mọi người chỉ nghĩ “trắng” và “đen.” Nhưng đôi khi mọi thứ không phải lúc nào cũng đơn giản, hay dễ dàng phân biệt. Nếu bạn nghĩ rằng bản thân không nghĩ theo trắng hay đen thì tức là bạn đang nghĩ theo một màu sắc khác. Vậy bạn đang nghĩ theo màu sắc gì?
// trích dẫn
Cheryl Strayed về sự tự than vãn, oán trách
Đây là trích dẫn từ một lá thư “A Big Life” trong cuốn sách Tiny Beautiful Things (Những điều đẹp đẽ nhỏ bé)—tuyển tập những lá thư trả lời bạn đọc trong mục “Dear Sugar” do Cheryl Strayed của tờ báo The Rumpus cầm bút:
Bạn nên dừng than vãn, oán trách bản thân. Tôi không lên án, hay chỉ trích bạn đâu—tôi cũng cần phải tự nhắc nhở bản thân mình ngừng than vãn. Và tôi cần phải thẳng thắn với bạn, vì sự thẳng thắn của tôi đến từ lòng trắc ẩn, chứ không phải đến từ sự phán xét. Chẳng có ai sống cuộc đời này cho bạn cả. Bạn phải tự làm nó một mình, dù bạn giàu hay nghèo, sống cả đời trong may mắn hay bất hạnh. Bạn phải tự làm nó, và điều đó là sự thật. Cho dù nó có khó khăn đến thế nào đi nữa. Dù cho cuộc đời này có không công bằng, những điều buồn bã, bất hạnh có rơi xuống đầu bạn đi chăng nữa. Mọi thứ là do bạn quyết định—bạn muốn dừng lại ở đây, hay chạy tìm một hướng đi khác.
// những điều linh tinh khác
Tôi đọc một bài viết thú vị về sách được làm như thế nào; nói về sách, tôi lại chuyển qua đọc bài viết phỏng vấn Ocean Vương về sách—Ocean Vương nói rằng anh ở đâu cũng có thể đọc sách, cả khi đi hẹn hò hay xem một trận đấu võ (!); tôi đọc ba bài viết dài xuất sắc (phần một, hai, ba) về thay đổi môi trường của Elizabeth Kolbert trên The New Yorker, và sau khi đọc xong thì tậu ngay cuốn sách do chính cô viết; tôi xem các bức ảnh tài liệu của nhiếp ảnh gia Benny Lam về những căn nhà “quan tài” ngột ngạt khó thở đến rùng mình ở Hồng Kông; rãnh rỗi thì tôi và bạn tôi xem hài độc thoại rất dí dỏm của Phương Nam ở Saigon Tếu (tôi thích nhất là "Em Phà ở Đâu Thế", và "Cha ‘Lầy’ Con 'Láo'").
Hẹn gặp lại vào Chủ nhật tới!
Chào thân ái và quyết thắng,
Jas
(Credit: Photo by Carl Heyerdahl on Unsplash)
cảm ơn chị NKT của chị rất bổ ích ạ, em đã mua được một số quyển sách hay mà chị đã giới thiệu