I Am Jas

Share this post

NKT #46 | Sức mạnh của nỗi buồn

iamjas.substack.com
The Newsletter

NKT #46 | Sức mạnh của nỗi buồn

Ý tưởng về to-do list, vấn đề của việc ghi chú, bài học lãnh đạo và quyển sách tôi đọc gần đây

Jas Nguyen
Apr 10, 2022
1
Share this post

NKT #46 | Sức mạnh của nỗi buồn

iamjas.substack.com

Chào cả nhà! 👋🏼

Nhanh quá, thoắt qua thoắt lại chúng ta lại gặp nhau nữa rồi! Tuần này của mọi người thế nào, có bận rộn với công việc và học tập không? Chớp mắt một cái đã sang xuân rồi, chẳng mấy chốc hè lại đến. Tôi trông đến hè lắm, vì tháng Sáu này tôi sẽ về Việt Nam chơi tận ba tuần! Đã hai năm rồi tôi không được về nhà, nên lần này ở lâu lâu chút cho bõ công bay gần một ngày trời. Thằng em tôi và tôi đã lên kế hoạch đi chơi hết rồi, tôi về chắc không có thời gian nghỉ “jet-lag” luôn, về cái là đi túi bụi cùng gia đình. Lần này về tôi chỉ muốn ở với bố mẹ, với mấy đứa cháu, muốn có cảm giác sum họp gia đình. Ngày xưa ở Singapore gần xịt, hai tháng tôi về một lần nhưng về cái là bay đi chơi, chẳng ở nhà mấy. Còn giờ chỉ muốn ở nhà nằm phè chơi với ba má. Càng lớn, tôi lại càng bớt thích ăn chơi chạy nhảy… Hic, già thật rồi!


ý tưởng của tuần:

Ý tưởng về to-do list

Jenée Desmond-Harris đã có một ý tưởng tuyệt vời về cách chia lại to-do list. Jenée luôn chia to-do list của cô thành ba mục: 1) những điều phải làm 2) những điều muốn làm và 3) những điều người khác muốn cô làm. Cô đặt ra mục tiêu luôn hoàn thành mục đầu tiên, làm mục thứ hai khi có thời gian và ít khi đụng tới mục thứ ba. Ý tưởng tuy đơn giản (đôi khi cái ta cần chỉ là lời nhắc nhở đơn giản thôi đúng không?) nhưng nó giúp bạn nhận ra chúng ta nên phân chia ranh giới rõ ràng giữa phải và muốn, giữa cái mình muốn và người khác muốn. Tôi cũng thử chia to-do list tuần này của tôi ra ba mục:

Điều cần làm:

  • Viết NKT #46

  • Trả và lấy sách thư viện (cuối tuần này hết hạn)

  • Lên kế hoạch đi hiking tuần tới

Điều muốn làm:

  • Hẹn thằng bạn đi cà phê cuối tuần

  • Đọc cuốn sách Ông già trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất

  • Tham gia chương trình International Day of Pink — Pride Canada

Điều người khác muốn tôi làm:

  • Dọn nhà 😅

  • Hỗ trợ tổ chức (facilitator) một chương trình về kết nối đa văn hoá của công ty

Bạn cũng thử xem sao!


blog tuần này có gì?

Sách tôi đọc tháng 3/2022

Tuần này tôi viết trên blog về những cuốn sách tôi đọc trong tháng 3/2022. Có thể nói tháng Ba là một tháng đọc sách “hiệu quả”—cả về số lượng lẫn chất lượng—đặc biệt là sau khi tôi từ bỏ mạng xã hội. Trong bài viết này, tôi chia sẻ những quyển sách tôi đọc, được liệt kê theo thứ tự hoàn thành. Bạn có thể xem lại bài viết về sách tôi đọc tháng các trước ở đây.

Đọc tiếp (8 phút)


điều thú vị trong tuần:
​
// bài viết

Vấn đề của việc ghi chú

3 phút | The problem with note-taking | More to That | Lawrence Yeo

Tôi luôn nói đọc là một kỹ năng quan trọng. Ngoài việc đọc để lấy kiến thức, đọc để củng cố thêm cái mình vốn biết, việc đọc những ý kiến trái ngược là cực kỳ cần thiết vì nó kích thích suy nghĩ, tư duy phản biện, đồng thời mở rộng tầm nhìn và nhân sinh quan. Tôi luôn đề cao việc ghi chú (note-taking), nhưng tác giả của bài viết này không hoàn toàn đồng ý, và trái lại cho rằng việc ghi chú ngăn cản bạn “sống cho hiện tại.” Bạn thử đọc và chia sẻ cho tôi cảm nhận của bạn nhé.

» Đọc bài viết

​
// video

Sức mạnh tiềm ẩn của bài hát buồn và những ngày mưa

16 phút | The hidden power of sad songs and rainy days | TED | Susan Cain

Bạn có biết bản nhạc buồn luôn được nghe nhiều hơn (bốn lần) những bản nhạc vui? Nếu bạn giống tôi, những ngày mưa luôn tạo cho bạn niềm cảm hứng bất tận? Tại sao chúng ta luôn tìm thấy một chút “niềm vui,” cảm nhận những điều sâu sắc nhất khi được kết nối với nỗi buồn? Các nhà triết học gọi đó là “nghịch lý của bi kịch” (paradox of tragedy). Nhưng Susan Cain đưa ra một giả thuyết khác—giả thuyết chạm vào phần rất đỗi “người” trong chúng ta.

» Xem video

​
// podcast

Bài học về lãnh đạo từ Zelensky và Putin

37 phút | Work Life with Adam Grant

Michael McFaul là nhà ngoại gia, nhà khoa học chính trị và từng là đại sứ của Mỹ ở Nga năm 2012-2014, và từng gặp gỡ cả Putin và Zelensky rất nhiều lần. McFaul cùng trò chuyện với Adam Grant về động lực thúc đẩy Putin đưa quân sang Ukraine, sự “giàu có” và đam mê quyền lực của Putin cũng như khả năng lãnh đạo thời chiến của Zelensky. Ông cũng đã từng đưa ra nhận định nổi tiếng gây tranh cãi khi so sánh Putin và Hitler; ông nói “có một điểm khác biệt giữa Putin và Hitler. Hitler không giết người dân gốc Đức, và những người nói tiếng Đức.” Kharkiv, Mariupol, Kyiv là những thành phố lớn ở Ukraine mà hơn một nửa dân số là người gốc Nga, hoặc biết nói tiếng Nga.

» Nghe podcast

​
// sách

Ngôi nhà bên bờ biển xanh biếc

The House in the Cerulean Sea | T. J. Kune

Tôi không biết nên liệt kê nó vào sách trẻ em hay người lớn vì tuy sách nói về trẻ em với giọng văn hài hước, dễ thương nhưng lại bao hàm những ý nghĩa, triết lý nhân sinh cao cả. Dù trẻ em, hay người lớn, hay trẻ em sắp thành người lớn, thì với tôi đây cũng là quyển sách rất đáng đọc. Tôi may mắn được một người bạn giới thiệu đọc cuốn sách này. Sách nói về một giới pháp thuật mà ở đó, những đứa trẻ mồ côi được nuôi dưỡng trong những trại trẻ bị quản lý nghiêm ngặt bởi Bộ Quản lý thanh thiếu niên có pháp thuật (DICOMY). Linus Baker, người đàn ông 40 tuổi—làm việc tận lực đến “rập khuôn” 17 năm cho DICOMY—có một cuộc đời lầm lũi và buồn tẻ; dường như không ai biết đến sự tồn tại của anh trên thế giới này. Rồi bỗng một ngày, mọi thứ đã thay đổi khi anh nhận được một nhiệm vụ “đặc biệt nguy hiểm” đến trại trẻ mồ côi ở một nơi mà anh chưa bao giờ nghe đến. Ở đấy, anh gặp được những đứa trẻ khác lạ, những con người khác lạ, những sự kiện khác lạ đã làm thay đổi cuộc đời anh mãi mãi.

» Review sách trên Goodreads

» Tham khảo sách trên Bookdepository.com (ship quốc tế miễn phí)

​
// trích dẫn

Đây là trích dẫn trong quyển sách The House in the Cerulean Sea của cậu bé Sal về cuộc đời và số phận của mình. Tôi không thể dịch ra tiếng Việt mà không làm mất đi ý nghĩa của câu gốc nên tôi chỉ ghi lại nguyên văn ở đây:

I am but paper. Brittle and thin. I am held up to the sun, and it shines right through me. I get written on, and I can never be used again. These scratches are a history. They’re a story. They tell things for others to read, but they only see the words, though there are many like me, none are exactly the same. I am parched parchment. I have lines. I have holes. Get me wet, and I melt. Light me on fire, and I burn. Take me in hardened hands, and I crumple. I tear. I am but paper. Brittle and thin.

​

Hẹn gặp lại vào Chủ nhật tới!

​

Chào thân ái và quyết thắng,

Jas

​

(Credit: ​Photo by Preslie Hirsch on Unsplash)

​​
Share this post

NKT #46 | Sức mạnh của nỗi buồn

iamjas.substack.com
Comments
TopNewCommunity

No posts

Ready for more?

© 2023 Jas Nguyen
Privacy ∙ Terms ∙ Collection notice
Start WritingGet the app
Substack is the home for great writing